Tại Việt Nam, bệnh đạo ôn là một trong những bệnh gây hại nhiều nhất đến sản xuất lúa, bới tác nhân gây bệnh có thể lây nhiễm và gây tổn thương trên hầu hết các bộ phận của cây lúa (Lê Minh Tường và cs., 2010). Sản lượng lúa bị thiệt hại do bệnh đạo ôn gây ra có thể chiếm 10 – 30%, trong khi đó 10% sản lượng lúa đủ cung cấp lương thực cho 60 triệu người mỗi năm. Trong điều kiện thuận lợi về điều kiện khí hậu, thời tiết và phân bón… bệnh có thể gây thiệt hại 100% sản lượng (Cruz-Vazquez và cs., 2007).
* Tác nhân gây hại: Bệnh do nấm với tên khoa học: Pyricularia oryzae gây ra.
* Điều kiện phát sinh phát triển: Trong điều kiện sản xuất tại Việt Nam, nguồn bệnh luôn có sẵn trên đồng, nếu trời nhiều mây, âm u, ít nắng, thời tiết mát, ẩm độ cao, kết hợp đêm có sương mù nhiều thì bệnh phát triển mạnh. Bệnh cũng thường gây hại nặng trên những ruộng sử dụng giống lúa nhiễm bệnh, gieo sạ dày, bón phân thừa đạm…
* Các biện pháp quản lý bệnh đạo ôn đã được bà con nông dân áp dụng đạt hiệu quả:
– Trước khi gieo trồng, vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch tàn dư cây bệnh vụ trước (trục và dìm kỹ rạ, rơm), dọn sạch cỏ dại quanh bờ và mương tưới…
– Sử dụng giống kháng bệnh hoặc ít nhiễm để gieo trồng.
– Xử lý hạt giống trước khi gieo sạ.
– Bón phân cân đối hợp lý, không bón thừa đạm, nên sử dụng phân bón theo bảng so màu lá lúa. (khi lúa bị thừa đạm, lá có màu xanh đậm và phiến lá sẽ không đứng thẳng mà nằm ngang).
– Theo dõi ruộng thường xuyên, nhất là những giai đoạn cây lúa mẫn cảm với bệnh (từ giai đoạn lúa con gái đến đòng trổ. Sử dụng một số gốc thuốc hóa học để phòng trị bệnh như hexaconazole, tricyclazole …
+ Phun SUN-HEX-TRIC 25SC là sản phẩm mới dạng nước, rất dễ sử dụng, với liều lượng 0,8 – 1,2 lít/ha cho hiệu quả trừ bệnh rất cao.
* Chú ý khi phun xịt thuốc: Phun lượng nước 500 lít nước/ha với béc phun tơi sương, phun khi ruộng đã ráo sương hoặc ráo nước sau mưa. Có thể phun ngừa trước khi lúa trổ hoặc sau khi lúa đã trổ đều.